1.Mỡ máu cao gây biến chứng gì?
Ban đầu, các triệu chứng mỡ máu cao khá mơ hồ và bệnh nhân chưa cảm nhận được ảnh hưởng của bệnh tới sức khỏe. Tuy nhiên, theo thời gian, LDL-cholesterol dư thừa sẽ bám vào thành động mạch ngày một nhiều, hình thành các mảng bám dày, thu hẹp lòng mạch và làm giảm lưu lượng máu đến tim, não, chân tay,… Ngoài ra, các mảng bám cũng có thể vỡ ra, hình thành cục máu đông, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm:
- Bệnh tim mạch vành: các mảng bám tích tụ trong động mạch làm giảm lưu lượng máu tới tim. Tình trạng này dẫn tới các cơn đau thắt ngực hoặc đau tim. Theo thời gian, tim của bệnh nhân sẽ suy yếu dần và nếu không được chữa trị có thể dẫn đến suy tim.
- Đau tim: các mảng bám bị vỡ ra, hình thành cục máu đông trong các động mạch có thể khiến tim không nhận đủ oxy, gây ra các cơn đau tim.
- Đột quỵ : tương tự cơn đau tim, các cơn đột quỵ xảy ra khi thiếu oxy lên não. Hiện tượng này xảy ra do mảng bám tích tụ từ LDL-cholesterol dư thừa bị vỡ ra, hình thành cục máu đông, chặn động mạch cấp oxy cho não. Không có oxy, tế bào não chết đi, xuất hiện các triệu chứng như suy nhược cơ thể đột ngột, tê liệt, gặp khó khăn khi nhìn hoặc nói chuyện,…
- LDL-cholesterol tăng cao gây bệnh tiểu đường và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- LDL-cholesterol cao gây tăng huyết áp, dẫn tới đột quỵ sớm.
- Tăng mỡ máu có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ, suy giảm chức năng gan và ung thư gan.
2.Cách điều trị mỡ máu cao
Hiện nay, việc điều trị máu nhiễm mỡ chủ yếu gồm 2 mục đích là cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng. Giải pháp được đưa ra là sử dụng thuốc và duy trì lối sống khoa học, chế độ ăn uống lành mạnh.
2.1 Điều trị mỡ máu cao bằng thuốc
4 loại thuốc được sử dụng phổ biến để giảm mức cholesterol trong máu gồm:
- Statins: chủ yếu làm giảm LDL-cholesterol, giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Nên bắt đầu từ liều thấp. Liều lượng thuốc có thể tăng gấp đôi nếu không đạt hiệu quả sau 4 – 6 tuần điều trị.
- Niacin: giúp làm giảm LDL-cholesterol, triglyceride và tăng HDL-cholesterol.
- Nhựa gắn acid mật: giảm LDL-cholesterol.
Các dẫn xuất của acid fibric: làm giảm triglyceride trong máu.
Chú ý khi điều trị rối loạn mỡ máu cho bệnh nhân mắc thêm các bệnh khác:
- Chữa bệnh mỡ máu cao ở bệnh nhân đái tháo đường: đặt biện pháp thay đổi lối sống lên hàng đầu, phối hợp với statin làm giảm LDL-cholesterol và fibrate làm giảm triglyceride. Nên dùng thuốc hạ lipid máu loại statin cho bệnh nhân tiểu đường trên 40 tuổi khi các thành phần lipid máu bình thường. Metformin làm giảm triglyceride là lựa chọn điều trị tốt hơn nhiều loại thuốc khác ở người bệnh tiểu đường. Với bệnh nhân có nồng độ triglyceride rất cao và đường máu khó kiểm soát nên điều trị bằng insulin để kiểm soát đường máu tốt hơn so với các thuốc dùng đường uống.
- Điều trị máu nhiễm mỡ ở bệnh nhân suy thận hoặc mắc bệnh gan mật mạn tính cần phối hợp trị bệnh gốc và rối loạn mỡ máu.
- Điều trị mỡ máu cao ở bệnh nhân suy tuyến giáp cần sử dụng hormone giáp trạng.
Khi yếu tố bệnh sinh được giải quyết, bệnh nhân cần giảm liều hoặc ngừng thuốc hạ lipid máu. Bên cạnh đó, các loại thuốc trên đều có một số tác dụng phụ và tương tác thuốc nên người dùng cần thận trọng, chỉ sử dụng thuốc khi được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa.
2.2 Điều trị mỡ máu cao bằng duy trì lối sống khoa học
Nguyên nhân tăng cholesterol máu là do chế độ ăn không hợp lý, mắc một số bệnh về rối loạn chuyển hóa hoặc do di truyền. Vì vậy, để dự phòng và điều trị tăng mỡ máu thì chế độ ăn uống đóng vai trò quyết định. Cụ thể là:
Chế độ ăn uống
- Tránh thức ăn chứa nhiều chất béo và cholesterol như bơ, thịt lợn mỡ xông khói, nên thay mỡ động vật bằng dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu oliu.
- Hạn chế bánh quy, kẹo dẻo, đồ ăn vặt, hamburger, bánh kem,…
- Hạn chế ăn các loại thịt, cá xuống còn 150 – 200g/ngày, không ăn quá 3 quả trứng/tuần và nên ăn cách ngày.
- Không ăn thịt mỡ, nội tạng động vật, da của các loại gia cầm, thay bằng đạm thực vật như đậu tương.
- Uống sữa đã tách bơ, hạn chế ăn kem, phomai,…
- Hạn chế uống bia rượu, không hút thuốc lá vì các hoạt chất trong đó thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch và làm tăng mỡ máu.
- Tăng cường ăn rau, các loại trái cây như cam, bưởi, táo, nho,…
Tập luyện thể dục thể thao
- Rèn sức bền với các bài tập đi bộ nhanh, chạy, đạp xe,… để giảm nguy cơ rối loạn mỡ máu, bệnh mạch vành, giảm cân, giảm huyết áp, giảm stress, củng cố xương.