Chẩn đoán bệnh thiếu máu
Để chẩn đoán bệnh thiếu máu, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về tiền sử bệnh của gia đình, khám sức khỏe và yêu cầu thực hiện các xét nghiệm máu cần thiết, bao gồm:
- Xét nghiệm công thức máu toàn bộ: Xét nghiệm này được thực hiện để xác định số lượng tế bào hồng cầu và nồng độ huyết sắc tố trong máu.
- Xét nghiệm kích thước và hình dạng của các tế bào hồng cầu: Xét nghiệm này giúp xác định kích thước, hình dạng và màu sắc của các tế bào hồng cầu giúp gợi ý kiểu thiếu máu, từ đó hỗ trợ cho việc xác định nguyên nhân.
Điều trị bệnh thiếu máu
Phương pháp điều trị bệnh thiếu máu, tránh biến chứng của thiếu máu nặng sẽ được chỉ định tùy thuộc dạng thiếu máu, cụ thể như sau:
- Thiếu máu thiếu sắt: Điều trị chủ yếu là bổ sung sắt và thay đổi chế độ ăn uống, nếu thiếu sắt do mất máu, bác sĩ cần chẩn đoán nguyên nhân, sau đó can thiệp phẫu thuật/thủ thuật cầm máu.
- Thiếu máu do thiếu vitamin: Bổ sung, tăng cường axit folic, vitamin B-12 vào chế độ ăn uống, có thể cần tiêm vitamin B-12 đường tĩnh mạch đối với những người có cơ địa khó hấp thụ, tần suất 1 mũi/ tháng và duy trì suốt đời.
- Thiếu máu của bệnh mạn tính: Điều trị tập trung vào nguyên nhân gây thiếu máu, có thể cần truyền máu (nếu có chỉ định) hoặc bổ sung erythropoietin cho bệnh nhân suy thận mạn.
- Thiếu máu trong bệnh lý máu ác tính: Dùng thuốc, hóa trị liệu hoặc ghép tế bào gốc từ người hiến tặng.
- Suy tuỷ xương: Truyền máu để tăng số lượng hồng cầu, có thể cần phải ghép tế bào gốc nếu tủy xương không thể tạo ra các tế bào máu khỏe mạnh.
- Thiếu máu tán huyết: Kiểm soát bệnh thiếu máu tán huyết bằng cách ngưng dùng các loại thuốc có thể gây ra tình trạng tán huyết và điều trị kháng sinh nếu nhiễm trùng là nguyên nhân gây tán huyết. Nếu hệ thống miễn dịch đang tấn công các tế bào hồng cầu, phương pháp tối ưu là dùng thuốc để ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch.
- Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm: Điều trị có thể bao gồm truyền hồng cầu lắng, dùng thuốc giảm đau và bù nước qua đường tĩnh mạch để giảm đau đồng thời ngăn ngừa biến chứng của thiếu máu.
- Bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh (Thalassemia): Dạng này thường nhẹ và không cần điều trị, nếu nặng sẽ phải truyền máu, bổ sung axit folic, dùng thuốc, ghép tế bào gốc máu và tủy xương, hoặc cắt bỏ lá lách (hiếm)
- Cách phòng tránh bệnh thiếu máuDưới đây là một số biện số phòng tránh bệnh thiếu máu hiệu quả, nên tham khảo để áp dụng:
- Phòng ngừa và điều trị bệnh sốt rét
- Chủ động phòng ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng do giun ký sinh
- Tiêm phòng và giữ gìn vệ sinh tốt để ngăn ngừa nhiễm trùng
- Điều trị sớm các bệnh mạn tính như béo phì, bệnh đường tiêu hóa…
- Khoảng cách tối thiểu giữa các lần mang thai là ít nhất 24 tháng
- Luôn sử dụng biện pháp tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn
- Ngăn ngừa và điều trị chảy máu kinh nguyệt nghiêm trọng cũng như tình trạng xuất huyết trước hoặc sau khi sinh
- Không kẹp rốn sau sinh sớm hơn 1 phút
- Điều trị và phòng ngừa các bệnh rối loạn hồng cầu di truyền như: bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh (Thalassemia)…
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh thiếu máu và các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn như đau ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, không đều… hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim, bao gồm cả suy tim. Điều quan trọng là phải có người chở đi để tránh xảy ra tai nạn không mong muốn. Ngoài ra, người bệnh cũng nên đi khám nếu thuộc các trường hợp sau đây:
- Được chẩn đoán mắc bệnh lý tiềm ẩn có thể dẫn đến thiếu máu và có triệu chứng thiếu máu đi kèm như bệnh thận, HIV/AIDS, ung thư, bệnh Crohn…
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh thiếu máu di truyền
- Cơ thể xuất hiện một số triệu chứng thiếu máu nghi ngờ đang mắc các bệnh mạn tính nghiêm trọng như: ung thư, xuất huyết nội mãn tính…