Bệnh tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối là gì?

Tràn dịch khớp gối là tình trạng lượng dịch trong khớp gối tăng bất thường. Tình trạng này sẽ khiến đầu gối bị sưng phù và đau nhức. Tràn dịch đầu gối thường xảy ra sau chấn thương hoặc các bệnh lý gây viêm khớp như thoái hóa khớp, gút, viêm khớp dạng thâp làm giảm tầm vận động của khớp.

Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể dẫn tới tổn thương sụn khớp, hư khớp, khiến người bệnh mất khả năng đi lại.

Dấu hiệu tràn dịch khớp gối

Tình trạng sưng nề khớp gối đi kèm cơn đau dai dẳng là dấu hiệu đầu tiên của tràn dịch đầu gối. Ngoài ra, người bệnh có thể thấy bên khớp tràn dịch thường to hơn bên kia do lượng dịch dư thừa.

Một số triệu chứng tràn dịch khớp gối thường gặp như:

  • Khớp gối sưng phồng, phù nề
  • Đau nhức khớp gối âm ỉ kéo dài hoặc đau nhói. Đau tăng nếu vô tình đè nặng lên khớp gối
  • Bên gối bị tràn dịch có kích thước lớn hơn với bên gối còn lại
  • Khó thực hiện các hoạt động như gấp duỗi gối, đi lại, đứng lên ngồi xuống, leo cầu thang… Tình trạng này dễ gặp nhất khi mới ngủ dậy.
  • Vùng da xung quanh khớp gối ửng đỏ, cảm giác ấm nóng khi dùng tay chạm
  • Có thể đi kèm bầm tím da và chảy máu trong khoang khớp khi đầu gối bị tràn dịch do chấn thương.

Các tình trạng tràn dịch khớp phổ biến bao gồm:

  • Tràn dịch khớp háng
  • Tràn dịch khớp vai
  • Tràn dịch khớp cổ tay
  • Tràn dịch khớp cổ chân

Nguyên nhân gây tràn dịch đầu gối

Tương tự như các tình trạng tràn dịch khớp  ở vị trí khác, một số nguyên nhân thường gặp có thể kể đến là:

  • Tràn dịch sau chấn thương: vận động quá sức, va đập sau khi chơi thể thao hoặc tai nạn khi lao động, sinh hoạt, té ngã sẽ gây tổn thương dập, vỡ sụn khớp, giãn/đứt dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, rách sụn chêm, gãy xương…
  • Tràn dịch do những bệnh lý viêm ở khớp: Một số bệnh mạn tính có thể dẫn tới tình trạng tràn dịch khớp gối như thoái hóa khớp, gút, viêm khớp dạng thấp…
  • Nhiễm khuẩn: Vi khuẩn có thể là nguyên nhân gây tràn dịch. Một số loại vi khuẩn thường gây ra tình trạng này như tụ cầu vàng, liên cầu, vi khuẩn lao,…ngoài ra còn có virus hay vi nấm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Người bị tràn dịch khớp gối cần đi khám ngay khi xuất hiện các biểu hiện nhiễm trùng hoặc khi bị chấn thương khớp, trong đó gồm các triệu chứng như sốt, sưng và đỏ khớp, mất cảm giác ở khớp, không thể cử động khớp, đau nhiều và không thể chống chân đi lại.

Đối với các trường hợp sưng khớp mà không có những triệu chứng trên, bệnh nhân vẫn cần đi khám sớm để tìm ra nguyên nhân gây sưng khớp, từ đó có hướng điều trị đúng cách, tránh các tiến triển nặng.

Biến chứng khi khớp gối bị tràn dịch

Tình trạng tràn dịch khớp gối không nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, khi không can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể cản trở các hoạt động hằng ngày của bệnh nhân. Theo thời gian, khớp gối tràn dịch sẽ sưng to, cảm giác đau nhức và khó chịu nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, người bệnh có nguy cơ bị hư cứng khớp, biến dạng khớp nếu tình trạng viêm tràn dịch kéo dài gây nhiều hạn chế trong vận động.

Một số biến chứng có thể xuất hiện khi tình trạng tràn dịch khớp gối không được điều trị sớm:

  • Thoái hóa khớp, biến dạng xương, lệch trục chân
  • Cứng và dính khớp
  • Loãng xương quanh khớp, nhiễm trùng khớp

Phương pháp chẩn đoán tràn dịch khớp đầu gối

Khi chẩn đoán tình trạng khớp gối bị tràn dịch, ngoài các dấu hiện trên, bác sĩ sẽ dựa trên kết quả một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thủ thuật cần thiết, cụ thể:

  • Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm máu sẽ hỗ trợ bác sĩ xác định tình trạng viêm, nhiễm trùng, viêm khớp dạng thấp, gút,…
  • Chụp X-quang: Phương pháp chẩn đoán này giúp bác sĩ phát hiện các vấn đề ở xương như gãy xương, bệnh u xương, trật khớp gối, thoái hóa khớp gối.
  • Chụp MRI: Kết quả của phương pháp này sẽ giúp phát hiện những bất thường ở xương và phần mềm của khớp như dây chằng, gân, sụn chêm, sụn khớp.
  • Chọc hút dịch khớp: Bác sĩ sẽ sử dụng chiếc kim nhỏ đưa vào ổ khớp của người bệnh để tiến hành hút dịch khớp, xác định bản chất của dịch khớp, tìm vi trùng trong khớp.

Bệnh tràn dịch khớp gối chữa như thế nào?

Đối với các trường hợp tràn dịch khớp gối, bác sĩ thường đưa ra phác đồ điều trị dựa trên triệu chứng và điều trị theo nguyên nhân.

1. Dùng thuốc

Các trường hợp tràn dịch khớp gối nhẹ tìm được nguyên nhân, chưa cần tác động bằng các biện pháp xâm lấn. Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng thuốc điều trị gồm thuốc giảm đau, chống viêm, giảm phù nề (nếu có chấn thương) thuốc điều trị nguyên nhân tràn dịch như thuốc chống thoái hóa, gút, thuốc ức chế miễn dịch cho người bệnh viêm khớp dạng thấp,..

2. Nội soi khớp

Với phương pháp này bác sĩ có thể quan sát trực tiếp tình trạng khớp, sụn chêm, dây chằng quanh khớp. Dùng để lấy mẫu sinh thiết (các trường hợp bệnh khó), cắt lọc bao khớp, khâu sụn chêm, tái tạo dây chằng,… trong các trường hợp nặng hoặc chấn thương.

3. Chọc hút dịch khớp

Với các trường hợp tràn dịch khớp gối nặng, bác sĩ có thể tiến hành chọc hút dịch khớp nhằm giảm triệu chứng, giảm đau. Bác sĩ sẽ đưa kim chuyên dụng vào vùng khớp tràn dịch và hút dịch ra ngoài có thể kèm tiêm kháng viêm vào khớp trong một số trường hợp. Chất dịch cũng được mang đi xét nghiệm để xác định rõ bản chất, từ đó có hướng điều trị thích hợp.

Biện pháp phòng ngừa tràn dịch khớp gối

Để giảm thiểu nguy cơ bị tràn dịch khớp gối, cần lưu ý:

  • Sử dụng các đồ bảo hộ chuyên dụng cho khớp gối khi chơi thể thao, lao động nặng
  • Cẩn thận khi chơi thể thao hoặc khi làm việc để giảm thiểu nguy cơ mắc chấn thương
  • Luôn kiểm soát tốt cân nặng, do đầu gối sẽ là nơi chịu nhiều áp lực khi trọng lượng cơ thể tăng. Thực đơn mỗi ngày không nên có quá nhiều các món ăn dầu mỡ, nhiều chất béo; tránh ăn đêm…
  • Thường xuyên tập thể dục thể thao với cường độ phù hợp. Thói quen tốt này sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ bắp ở đầu gối.
  • Cần khám bác sĩ và kiểm tra sớm khi có tình trạng đau, cứng khớp gối

Nên ăn gì để phòng ngừa tràn dịch khớp gối?

1. Các loại cá béo

Dầu cá có thể hỗ trợ khớp gối giảm thiểu nguy cơ bị tràn dịch do viêm khớp. Những loại cá giàu omega-3 cần được bổ sung hằng ngày như cá ngừ, cá hồi, cá mòi, cá thu. Dù dầu cá có sẵn dưới dạng chế phẩm thực phẩm chức năng nhưng việc ăn cá vẫn mang lại nhiều lợi ích hơn cho cơ thể hơn.

2. Các chất dinh dưỡng trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật

Trái cây và rau quả chứa các chất dinh dưỡng, giúp ích cho người bệnh viêm khớp gối, tràn dịch khớp gối. Những chất dinh dưỡng từ thực vật có giá trị cao như:

  • Chất xơ: Việc bổ sung ngũ cốc nguyên hạt và những thực phẩm giàu chất xơ sẽ hỗ trợ cải thiện mức cholesterol trong máu, cảm thấy no lâu hơn để duy trì cân nặng hợp lý (nguyên nhân gián tiếp gây tổn thương khớp)
  • Chất chống oxy hóa: Chất chống oxy hóa sẽ hỗ trợ các hoạt động của hệ thống miễn dịch, chống lại tình trạng viêm. Những thực phẩm có nhiều chất chống oxy hóa như quả việt quất, dâu tây, mâm xôi, nho đen, phúc bồn tử…
  • Chất béo không bão hòa: Quả bơ chứa nhiều chất béo không bão hòa, giúp chống viêm. Đây cũng là nguồn cung cấp vitamin E dồi dào, có liên quan tới việc giảm thiểu nguy cơ tổn thương khớp ở giai đoạn đầu viêm khớp
  • Oleocanthal: Ô-liu và dầu ô-liu nguyên chất đều chứa oleocanthal. Hợp chất này là chất chống viêm tự nhiên, có những đặc tính tương tự như thuốc ibuprofen
  • Nghệ: Nghệ chứa một hợp chất là curcumin, với đặc tính chống viêm có lợi cho những người bệnh viêm khớp
  • Vitamin A, C và K: Rau bina, bông cải xanh và những loại rau xanh khác cung cấp chất xơ và những khoáng chất và vitamin quan trọng cho cơ thể. Trong quá trình sản xuất năng lượng, cơ thể tạo ra những sản phẩm oxy hóa là những gốc tự do, có thể gây tổn thương những tế bào trong cơ thể và tấn công mô ở các khớp. Những loại rau lá xanh giàu vitamin A, C và K, là các chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi tác hại của những gốc tự do; đồng thời chứa hàm lượng canxi cao, góp phần nâng cao sức khỏe xương khớp
  • Sulforaphane và glucosinolate: Bông cải xanh và những loại rau họ cải khác có chứa hợp chất tự nhiên là sulforaphane và glucosinolate. Các hợp chất tự nhiên này sẽ giúp ngăn chặn quá trình viêm, làm chậm tiến triển tổn thương sụn trong viêm khớp
  • Vitamin C: Ớt, cam và những loại rau lá xanh là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, giúp bảo vệ xương và những tế bào sụn.

3. Các sản phẩm từ sữa

Những sản phẩm từ sữa, đặc biệt là nhóm sữa ít chất béo có thể mang đến một số lợi ích cho người bệnh viêm khớp gối, có phản ứng tràn dịch khớp gối, cụ thể:

  • Sterol và stanol: Sản phẩm từ sữa có chứa sterol và stanol, hữu ích cho bệnh nhân viêm khớp gối. Ngoài ra, các chất này còn giúp giảm mức cholesterol trong máu
  • Canxi và vitamin D: Sữa ít béo, pho mát và sữa chua là những thực phẩm cung cấp vitamin D và canxi dồi dào cho cơ thể, giúp xương chắc khỏe. Việc bổ sung nhiều vitamin D thông qua những thực phẩm từ sữa và thói quen tiếp xúc với ánh sáng mặt trời an toàn có thể hỗ trợ giảm đau và cải thiện chức năng vận động cho người bệnh viêm khớp.
Gọi điện thoại
0335.366.224
Chat Zalo