1. Bệnh mỡ máu là gì?
Bệnh mỡ máu (hay còn gọi là bệnh máu nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hoá lipid máu) là tình trạng chỉ số thành phần mỡ có trong máu vượt quá mức giới hạn do các nguyên nhân dẫn đến rối loạn chức năng chuyển hóa lipid trong máu.
Bệnh mỡ máu
Các chỉ số bình thường của các thành phần mỡ có trong máu:
Cholesterol toàn phần: < 5.2 mmol/L .
LDL – Cholesterol: < 3.3 mmol/L.
Triglyceride: < 2.2 mmol/L.
HDL – Cholesterol: > 1.3 mmol/L.
Các chỉ số trên ở mức bình thường, các xét nghiệm cho kết quả cholesterol toàn phần, LDL – cholesterol, Triglyceride cao hơn chứng tỏ bạn đang có biểu hiện bệnh mỡ máu. Tuỳ vào mức độ tăng cao của các chất trên mà biểu hiện tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. Trong khi đó, HDL – Cholesterol là một Cholesterol tốt cho sức khỏe giúp tăng đào thải LDL – Cholesterol (gây hại cho sức khỏe), khi HDL – cholesterol tăng là một dấu hiệu tốt.
2. Nguyên nhân gây bệnh mỡ máu
Bệnh có nhiều nguyên nhân, chủ yếu do lối sống sinh hoạt và ăn uống không phù hợp gây tổn hại đến sức khoẻ và làm giảm hiệu quả chuyển hoá lipid trong máu.
Có thể điểm lại một số nguyên nhân xuất phát từ lối sống gây nên tình trạng máu nhiễm mỡ:
Lười vận động, thừa cân, béo phì.
Hút thuốc lá.
Uống rượu bia.
Ăn nhiều thức ăn chứa nhiều chất béo, nhất là mỡ động vật.
Ăn uống không hợp lý gây nên máu nhiễm mỡ
Một nguyên nhân khác quan trọng đó là do di truyền: đây là một nguyên nhân liên quan đến vấn đề gen và đột biến. Nguyên nhân này gây nên các vấn đề trong chuyển hoá cholesterol, nhất là nhóm LDL.
Ngoài ra các nguyên nhân khác cũng tác động vào quá trình làm tăng mỡ máu như biến chứng của các bệnh: đái tháo đường, suy thận, suy gan, bệnh nhiễm trùng, hội chứng Cushing, viêm ruột,…
Sử dụng thuốc tránh thai, thuốc lợi niệu, thuốc an thần,… cũng có nguy cơ làm rối loạn chuyển hóa lipid, tăng lượng mỡ trong máu.
3. Các triệu chứng của bệnh mỡ máu
Bệnh mỡ máu thường không có hoặc có ít triệu chứng ban đầu khiến nó khó được phát hiện và làm người bệnh chủ quan. Các lipid xấu trong máu sẽ tích tụ dần vào trong lòng mạch (nguy hiểm nhất là ở động mạch) lâu ngày sẽ tạo thành các mảng bám lớn hơn chèn ép lối đi của dòng máu. Điều này cản trở sự lưu thông máu đến các cơ quan, gây ra các hiện tượng như: đau đầu, tê bì chân tay, chóng mặt, mệt mỏi,…
Đặc biệt khi các mảng bám lớn xuất hiện ở các mạch máu lớn ở tim, gan, thận gây tắc nghẽn mạch máu có thể khiến các cơ quan này ngừng hoạt động, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.