Bệnh thiếu máu – Phương pháp chuẩn đoán, điều trị, cách chăm sóc, phòng tránh và một số câu hỏi thường gặp

Cách chẩn đoán bệnh thiếu máu

Để chẩn đoán bệnh thiếu máu, trước tiên bác sĩ sẽ đánh giá các dấu hiệu thiếu máu của người bệnh, kiểm tra các chỉ số lâm sàng và thăm hỏi về tiền sử bệnh của người bệnh và gia đình. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số biện pháp chẩn đoán để đưa ra kết luận chính xác nhất, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu:
    • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC) là xét nghiệm máu phổ biến nhất để chẩn đoán thiếu máu. CBC được sử dụng để đếm số lượng tế bào máu trong một mẫu máu. Đối với bệnh thiếu máu, xét nghiệm sẽ đo lượng hồng cầu trong máu, được gọi là hematocrit và mức độ huyết sắc tố trong máu. Giá trị huyết sắc tố điển hình ở người trưởng thành thường là 14 đến 18 gam/dl đối với nam và 12 đến 16 gam/dl đối với nữ. Giá trị hematocrit điển hình ở người trưởng thành khác nhau nhưng nhìn chung tỷ lệ này nằm trong khoảng từ 40% đến 52% đối với nam và 35% đến 47% đối với nữ. Nếu thấp hơn, người bệnh có thể đang bị thiếu máu.
    • Ngoài ra, còn có xét nghiệm nồng độ huyết sắc tố, nồng độ sắt trong máu và nồng độ ferritin.
  • Chọc hút tủy xương.
  • Nội soi để xác định xem có chảy máu không.
  • Xét nghiệm mẫu phân xem có lẫn máu trong phân hay không.

Điều trị thiếu máu

Việc lựa chọn phương pháp điều trị bệnh thiếu máu sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Những người bị thiếu máu nhẹ có thể không cần điều trị. Nếu tình trạng thiếu máu là do thuốc hoặc do bệnh lý khác gây ra, bác sĩ có thể thay đổi cách điều trị để kiểm soát hoặc ngăn chặn tình trạng thiếu máu.

Một số phương pháp điều trị thiếu máu phổ biến bao gồm:

  • Sử dụng thuốc: Người bệnh có thể được kê đơn thuốc để giúp tủy xương tạo ra nhiều tế bào hồng cầu hơn, thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, thuốc sắt, thuốc bổ sung vitamin B12,…
  • Chế độ dinh dưỡng: Cải thiện chế độ dinh dưỡng luôn là lựa chọn hàng đầu với người bị thiếu máu. Cần đảm bảo chế độ ăn uống của bạn có thực phẩm giàu chất sắt, cũng như thực phẩm có chứa acid folic và vitamin B12.
  • Truyền máu: Truyền máu là phương pháp đưa tế bào hồng cầu khỏe mạnh vào trong các mạch máu của người bệnh thông qua đường truyền tĩnh mạch (IV). Truyền máu thay thế lượng máu bị mất do phẫu thuật hoặc chấn thương, hoặc cung cấp máu nếu cơ thể bạn không sản xuất đúng cách.
  • Ghép tế bào gốc: còn được gọi là ghép tế bào gốc tạo máu, mục tiêu thay thế các tế bào gốc tạo máu bị lỗi bằng các tế bào khỏe mạnh.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật có thể được chỉ định để cầm máu bên trong với các trường hợp người bệnh bị chấn thương, có tổn thương bên trong cơ thể gây chảy máu ồ ạt dẫn đến thiếu máu.

Thiếu máu ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Biến chứng thiếu máu khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, không đủ sức khỏe để thực hiện các hoạt động bình thường, chóng mặt và khó tập trung. Những người bị thiếu máu thường bị đau ngực, nhức đầu hoặc khó thở, da nhợt nhạt tái xanh.

Ngoài ra, thiếu máu cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Điều này là do cơ thể không đủ máu để nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể cũng như thiếu máu làm suy giảm hệ thống miễn dịch – hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể.

Phụ nữ mang thai bị thiếu máu dễ gặp các biến chứng thai kỳ như sinh non, sảy thai, trầm cảm sau sinh, trẻ sinh ra chậm phát triển,… Trẻ em bị thiếu máu có thể bị chậm tăng cân, kém phát triển, khó tiếp thu và ghi nhớ các bài học trên trường,…

Với trường hợp thiếu máu cấp tính, người bệnh có thể bị sốc giảm thể tích do xuất huyết đáng kể. Do thể tích máu giảm, tình trạng thiếu oxy ở mô có thể xảy ra, dẫn đến tổn thương cơ quan đích. Người bệnh có thể bị suy tim, suy thận, suy hô hấp,… hoặc các tổn thương nội tạng khác.

Nếu không kịp thời điều trị, thiếu máu mạn tính nghiêm trọng hoặc thiếu máu cấp tính đều có thể làm tăng nguy cơ tử vong.

Cách phòng tránh thiếu máu

Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh thiếu máu? Mặc dù không phải dạng thiếu máu nào cũng có thể phòng ngừa nhưng bạn vẫn có thể áp dụng một số biện pháp để hạn chế tối đa nguy cơ bị thiếu máu, chẳng hạn như:

  • Thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân và tầm soát, trao đổi với trước khi mang thai để ngừa việc trẻ sinh ra bị thiếu máu do di truyền.
  • Phụ nữ mang thai nên uống viên sắt để hạn chế việc thiếu máu trong thai kỳ.
  • Việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ưu tiên thực phẩm giàu sắt, vitamin nhóm B cũng có thể giúp phòng ngừa thiếu máu thông thường.
  • Ngoài ra, cần duy trì lối sống khoa học, tập thể dục đều đặn, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh làm việc quá sức.

Chế độ ăn cho người thiếu máu

Chế độ ăn uống của người bệnh nên bao gồm các loại thực phẩm từ tất cả các nhóm thực phẩm chính để đảm bảo sức khỏe và cân bằng. Đặc biệt, thực phẩm và đồ uống có chứa Vitamin C rất quan trọng vì Vitamin C giúp cơ thể hấp thụ chất sắt.

Người bệnh nên ăn nhiều rau lá xanh đậm, ngũ cốc, bánh mì, gạo lứt, các loại đậu và hạt, thịt trắng và đỏ, cá, đậu hũ, trứng, trái cây sấy khô,… Đây là những loại thực phẩm giúp bổ sung sắt, tốt cho người bệnh thiếu máu.

Với người bệnh bị thiếu máu do thiếu Vitamin B12, nên ưu tiên thực phẩm giúp bổ sung nhóm Vitamin đang thiếu này. Thực phẩm giàu Vitamin B12 bao gồm cá, trứng, các loại hạt, sản phẩm từ sữa và trái cây họ cam quýt,…

Chăm sóc bệnh nhân thiếu máu

Người bệnh bị thiếu máu cần duy trì chế độ ăn uống khoa học và phù hợp. Người bệnh sử dụng thuốc đúng theo chỉ định để kiểm soát bệnh, ngăn ngừa bệnh diễn tiến nghiêm trọng.

Với người bệnh bị thiếu máu, cần cẩn thận trong sinh hoạt để hạn chế nguy cơ chảy máu (sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm, tránh chạm vào các vật sắc nhọn, không đi chân đất,…). Nếu có các dấu hiệu bất thường, nên sớm đến bệnh viện thay vì tự chăm sóc tại nhà.

Câu hỏi thường gặp

1. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Người bị thiếu máu có thể tự theo dõi và điều trị tại nhà bằng cách cải thiện chế độ dinh dưỡng, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thay đổi chế độ sinh hoạt,… Tuy nhiên, nếu có các triệu chứng sau đây, nên sớm đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, thăm khám:

  • Mệt mỏi dai dẳng, khó thở, nhịp tim nhanh, da nhợt nhạt.
  • Chán ăn, không thể ăn.
  • Rong kinh.
  • Có các triệu chứng của loét, viêm dạ dày.
  • Đi tiểu, đại tiện có lẫn máu.
  • Bệnh thiếu máu di truyền có tính di truyền trong gia đình.
  • Phụ nữ mang thai bị thiếu máu.

Các trường hợp người mắc bệnh thiếu máu dù đang kiểm soát bệnh tốt nhưng muốn có con cũng nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn về di truyền.

2. Bệnh thiếu máu có thể chữa khỏi được không?

Có và không. Bệnh thiếu máu ở mức độ nhẹ có thể chữa khỏi bằng những phương pháp phù hợp theo từng nguyên nhân bệnh. Người bệnh có thể được điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn uống hoặc dùng thuốc bổ sung.

Tuy nhiên, một số trường hợp thiếu máu mạn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể áp dụng các biện pháp để kiểm soát bệnh.

3. Bệnh thiếu máu nghiêm trọng đến mức nào?

Khi bị thiếu máu, tim phải bơm máu nhiều hơn để bù đắp cho lượng oxy trong máu quá ít. Điều này có thể dẫn đến suy tim và gây tử vong.

Ngoài ra, một số bệnh thiếu máu di truyền, chẳng hạn như thiếu máu hồng cầu hình liềm, có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng.

4. Thiếu máu có phổ biến không?

Bệnh thiếu máu rất phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng ⅓ dân số toàn cầu. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị thiếu máu.

5. Tình trạng thiếu máu liệu có nguy hiểm không?

Nếu không kịp thời điều trị bằng những phương pháp phù hợp, người mắc bệnh thiếu máu có thể bị tổn thương đa cơ quan và thậm chí dẫn đến tử vong.

 

Gọi điện thoại
0335.366.224
Chat Zalo