Viêm da cơ địa là gì?
Viêm da cơ địa còn được gọi là chàm thể tạng,chàm sữa hay lác sữa ở trẻ em. Bệnh có đặc trưng xuất hiện các mảng da viêm đỏ, bong vảy, hoặc da viêm đỏ rỉ dịch và ngứa dữ dội. Nếu càng gãi (để giảm ngứa) thì càng làm da bị chấn thương, trầy xước gây nhiễm trùng da. Đây là bệnh mạn tính, dễ tái phát.
Bệnh viêm da cơ địa là một dạng bệnh đặc biệt của bệnh chàm, thuật ngữ bệnh chàm dùng để chỉ nhiều loại viêm da có đặc điểm khá giống nhau như:
- Bệnh chàm ở tay: Chỉ xuất hiện tổn thương ở tay, do tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất gây kích ứng.
- Viêm da tiếp xúc (do dị ứng hoặc kích ứng): Là tình trạng da bị tổn thương do tiếp xúc với một số hóa chất.
- Bệnh tổ đỉa: Bệnh chàm với nhiều mụn nước, chỉ phát triển ở ngón tay, lòng bàn tay và lòng bàn chân, ngứa nhiều.
- Viêm da thần kinh: Đặc trưng bởi các mảng da dày lên do bị cọ xát hoặc gãi nhiều lần.
- Viêm da ứ nước: Một loại kích ứng da ở người có hệ tuần hoàn kém, chủ yếu ở vùng cẳng chân.
- Nứt nẻ da chân, da tay: Là một dạng bệnh mạn tính của bệnh chàm, da phản ứng bằng cách tăng sừng quá mức gây những đường nứt da, chảy máu và đau nhiều.
Tại Viêt Nam, viêm da cơ địa chiếm khoảng 5% dân số. Bệnh viêm da cơ địa thường gặp ở những tháng đầu đời của trẻ và bệnh nặng nếu trẻ có gien di truyền đồng hợp tử, sau đó bệnh giảm dần khi trẻ lên 2-3 tuổi. Nhiều thống kê cho thấy, 60% bệnh nhân viêm da cơ địa khi sinh con, con cũng bị bệnh này.
Nếu cả ba lẫn mẹ đều bị viêm da cơ địa thì trẻ sinh ra có đến 80% nguy cơ bị bệnh. Ở một số trường hợp bệnh viêm da cơ địa đi kèm với hen suyễn, viêm mũi dị ứng và dị ứng thực phẩm tạo thành một phức hợp bệnh cơ địa dị ứng (thường gặp ở trẻ mang gien di truyền từ bố và mẹ).
Triệu chứng viêm da cơ địa
Bệnh viêm da cơ địa có triệu chứng điển hình là da viêm đỏ, tróc vảy, chảy dịch, dày sừng, nứt nẻ, ngứa râm ran hay ngứa dữ dội. Tuy nhiên, tùy vào độ tuổi và giai đoạn bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau.
Triệu chứng ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi
Khoảng 60% ca mắc bệnh viêm da cơ địa khởi phát ở trẻ từ 0- 1 tuổi và khởi phát chủ yếu khi được 2 – 3 tháng tuổi. Trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa sẽ có những triệu chứng sau:
- Xuất hiện ban đỏ, tróc vảy ở 2 bên má, quanh miệng, trán, thân mình, cổ và bẹn, các kẽ da (nếp da).
- Ở vùng ban đỏ có nhiều mụn nước nhỏ.
- Các mụn nước nhỏ vỡ ra chảy dịch gây viêm trợt.
- Vết loét đóng vảy, khô, có thể bị nhiễm khuẩn thứ phát.
- Có thể đi kèm tiêu chảy, viêm tai giữa.
- Ngứa nhiều làm trẻ mất ngủ, quấy khóc.
Triệu chứng ở trẻ em
Với trẻ em từ 2 – 12 tuổi khi bị viêm da cơ địa thường kèm với tình trạng đục thủy tinh thể, viêm kết mạc dị ứng. Các triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ em gồm:
- Da khô ráp, nứt nẻ, ngứa ngáy,…;
- Tổn thương da thường xuất hiện ở các vùng sau đầu gối, trên đầu gối, khuỷu tay, các nếp da (kẽ da),…;
- Xuất hiện các mảng lichen hóa dạng đĩa. Lúc đầu, bệnh có biểu hiện ở mặt duỗi, đầu gối, cùi tay, sau lan đến những nếp gấp, ngoài ra có thể sẩn ngứa, da khô,…
Triệu chứng ở người trưởng thành
Ở người trưởng thành, viêm da cơ địa ít có triệu chứng rầm rộ như trẻ em vì người lớn có nhiều kháng thể và sức đề kháng hơn so với trẻ em. bệnh ít biểu hiện ra da hoặc chỉ có da khô sần sùi kéo dài dai dẳng (bệnh mạn tính); có thể đi kèm biểu hiện của bệnh hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng hoặc dị ứng thực phẩm. Các triệu chứng trên da có sự khác biệt rõ rệt so với trẻ em. Các triệu chứng viêm da cơ địa ở người lớn trong giai đoạn cấp tính gồm:
- Xuất hiện nhiều ban đỏ.
- Trên bề mặt da có mụn nước nhỏ, nông.
- Mụn nước vỡ chảy dịch gây phù nề, vảy tiết.
- Vùng da tổn thương thấy ngứa, nóng rát và sưng đau.
- Da bị tổn thương có thể bị bội nhiễm, loét, mụn mủ, sưng nóng,…
Viêm da cơ địa ở giai đoạn mạn tính gây ra các triệu chứng sau:
- Vùng da bị tổn thương có dấu hiệu thâm sạm, dày sừng, nứt nẻ.
- Ngứa ngáy âm ỉ đến dữ dội.
Nguyên nhân viêm da cơ địa
Với sự phát triển của y sinh học, nhất là sinh học phân tử, đã tìm ra được một số gien gây ra bệnh viêm da cơ địa. Các nghiên cứu y tế chỉ ra rằng: Nếu trong gia đình có người bị hen suyễn, bị viêm mũi dị ứng thì thế hệ sau sẽ có di truyền các bệnh dị ứng (gồm bộ 3 các bệnh cơ địa như sau: Bệnh viêm da cơ địa, hen suyễn, viêm mũi dị ứng). Ngoài ra, bệnh có thể xuất hiện do ảnh hưởng bởi những nguyên nhân gây viêm da cơ địa sau:
- Bệnh xuất hiện ở những người hay bị dị ứng;
- Một số tác nhân liên quan đến bệnh viêm da cơ địa như: Xà phòng, chất tẩy rửa, dị ứng thời tiết,…;
- Dị ứng thực phẩm được coi là nguyên nhân chính gây ra bệnh chàm ở trẻ nhỏ;
- Nhiễm trùng cấp tính gây suy giảm miễn dịch cũng làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh viêm da cơ địa;
- Rối loạn nội tiết;
- Căng thẳng thần kinh.
Các biến chứng viêm da cơ địa có thể mắc phải
Bệnh viêm da cơ địa (bệnh chàm) nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể gây ra các biến chứng sau:
- Bệnh hen suyễn và sốt cỏ khô: Hơn 50% trẻ bị viêm da cơ địa dễ mắc thêm bệnh hen suyễn và sốt cỏ khô.
- Viêm da thần kinh mạn tính: Viêm da cơ địa có thể bị biến chứng thành viêm da thần kinh mạn tính, với biểu hiện da có vảy và ngứa mạn tính. Người bệnh càng gãi thì càng ngứa, điều này khiến vùng da có thể bị tổn thương, đổi màu, dày lên.
- Nhiễm trùng da: Da có thể bị tổn thương do gãi nhiều gây ra các vết loét, vết nứt, làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn và vi rút.
- Viêm da tay: Viêm da cơ địa có thể gây ra biến chứng viêm da tay gây khó chịu cho người bệnh, đặc biệt với người làm trong môi trường ẩm ướt, tiếp xúc với xà phòng và chất tẩy rửa.
- Viêm da tiếp xúc dị ứng hoặc kích ứng: Do tiếp xúc với các hóa chất công nghiệp, hóa mỹ phẩm, ô nhiễm môi trường,…
- Rối loạn giấc ngủ: Việc bị ngứa nhiều ảnh hưởng đến giấc ngủ như ngủ không ngon, thức dậy lúc nửa đêm,…