Tổng hợp các biến chứng của thiếu máu thiếu sắt
Tình trạng thiếu máu và thiếu máu thiếu sắt nói riêng nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Các biến chứng của thiếu máu thiếu sắt bao gồm:
1. Hệ thống miễn dịch suy yếu và nhiễm trùng thường xuyên
Sắt có vai trò tăng sức mạnh hệ thống miễn dịch để chống lại bệnh tật, đặc biệt là cúm, cảm lạnh… Trong đó, lympho T (một loại tế bào miễn dịch) cần một lượng lớn sắt để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Khi bị thiếu máu thiếu sắt, chức năng miễn dịch sẽ suy giảm và tăng khả năng nhiễm trùng. Ngoài ra, hàm lượng sắt quá thấp cũng khiến cơ thể không thể tạo ra phản ứng miễn dịch với vắc-xin khi tiêm (làm giảm hiệu quả vắc-xin).
2. Các vấn đề về tim
Thiếu máu không được điều trị có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, tăng áp lực lên hoạt động tim. Khi không đủ số lượng hồng cầu, tần số tim tăng lên, cố gắng bơm nhiều máu hơn bình thường để đảm bảo cung cấp đủ oxy đến tất cả các cơ quan. Điều này về lâu dài sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương tim nghiêm trọng, dẫn đến bệnh cơ tim phì đại hoặc suy tim.
3. Chậm phát triển ở trẻ em
Trẻ sinh non và trẻ sinh nhẹ cân có nguy cơ cao chậm phát triển do lượng sắt dự trữ trong cơ thể rất thấp. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở những trẻ khác khi có các yếu tố nguy cơ gây biến chứng thiếu máu thiếu sắt như dinh dưỡng kém, uống quá nhiều sữa bò, uống sữa công thức ít sắt, bú sữa mẹ nhưng không ăn thực phẩm giàu sắt sau 4 – 6 tháng tuổi.
Thiếu máu cũng có thể gây chậm nói, chậm vận động cũng như các vấn đề về hành vi, tương tác, tập trung. Tình trạng này đồng thời cũng làm tăng nguy cơ mắc thiểu năng trí tuệ ở mức độ nhẹ hoặc trung bình.
4. Biến chứng khi mang thai
Thiếu máu thiếu sắt khi mang thai là tình trạng rất phổ biến, chiếm gần 50% các sản phụ. Trong suốt quá trình mang thai, nhu cầu cơ thể cần nhiều sắt hơn bình thường để cung cấp oxy cho cả mẹ và bé. Triệu chứng dễ thấy là mệt mỏi, khó thở, tim đập nhanh, chóng mặt, khó tập trung, trầm cảm sau sinh, lượng sữa mẹ giảm sau sinh… Thiếu máu do thiếu sắt cũng gây nguy hiểm cho em bé, làm tăng nguy cơ xảy ra các tình trạng sau:
- Sinh non
- Cân nặng khi sinh thấp
- Tăng nguy cơ tử vong ngay trước hoặc sau khi sinh
Thiếu máu thiếu sắt không được điều trị có thể gây ra các biến chứng của thiếu máu thiếu sắt nghiêm trọng cho cả mẹ và bé nên việc kiểm tra định kỳ trong thai kỳ là vô cùng quan trọng, kể cả khi cơ thể không có triệu chứng.
5. Suy nhược cơ thể
Thiếu máu thiếu sắt xảy ra khi lượng sắt trong cơ thể quá thấp. Trong khi đó, sắt giúp tạo ra huyết sắc tố (một chất trong tế bào hồng cầu), giúp gắn kết và vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Khi không có đủ sắt, cơ chế này sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến suy nhược, luôn cảm thấy khó thở, mệt mỏi.
Ngoài ra, người bệnh cũng bị nhức đầu do thiếu oxy đến não .Biến chứng của thiếu sắt cũng có thể gây đau nửa đầu, đặc biệt ở phụ nữ. Nguyên nhân có thể là do sắt cũng tham gia vào hoạt động ổn định các chất hóa học trong não, bao gồm serotonin, dopamine, norepinephrine… Lượng sắt thấp sẽ gây mất cân bằng hormone, gây đau đầu.
6. Trầm cảm
Thiếu máu kéo dài có thể gây ảnh hưởng lên hệ thần kinh trung ương. Người bệnh sẽ khó tập trung, ăn không ngon, giảm năng suất lao động, suy giảm ham muốn tình dục, mất ngủ,… từ đó có thể dẫn đến trầm cảm. Phụ nữ bị thiếu máu do thiếu sắt khi mang thai cũng có nguy cơ cao mắc chứng trầm cảm sau sinh, đặc biệt là trong vòng một năm đầu tiên.
7. Nguy cơ tử vong
Một số trường hợp biến chứng của thiếu máu trầm trọng có thể đe dọa đến tính mạng, dẫn đến tử vong do suy tim hoặc nhồi máu não, nhồi máu cơ tim.
Những đối tượng dễ bị thiếu máu
Những đối tượng dễ bị thiếu máu bao gồm:
- Người có chế độ ăn uống không đủ vitamin và khoáng chất cần thiết như sắt, vitamin B-12 và folate.
- Người mắc các bệnh lý về ruột non, gây ảnh hưởng đến hiệu quả hấp thụ chất dinh dưỡng, đặc biệt là bệnh Crohn (viêm ruột mạn tính) và bệnh Celiac (không dung nạp gluten).
- Phụ nữ bị rong kinh, cường kinh khiến cơ thể mất một lượng lớn máu do chu kỳ kinh nguyệt
- Phụ nữ đang trong thai kỳ, không dùng vitamin tổng hợp có chứa axit folic và sắt.
- Người mắc các bệnh lý mạn tính như ung thư, suy thận, tiểu đường…có thể gia tăng nguy cơ gây ra biến chứng của thiếu máu.
- Mất máu rỉ rả, mạn tính do vết loét hoặc các vết thương hở khác trên cơ thể có thể dẫn đến thiếu máu thiếu sắt
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh thiếu máu, đặc biệt là bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm
- Các yếu tố khác: Tiền sử mắc một số bệnh nhiễm trùng, bệnh về máu, bệnh tự miễn, nghiện rượu, tiếp xúc với hóa chất độc hại và sử dụng một số loại thuốc ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hồng cầu.
- Những người trên 65 tuổi.