Viêm khớp cổ chân – Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa

Viêm khớp cổ chân gây sưng tấy ở cổ chân, đau đớn, cản trở chuyển động của người bệnh. Tình trạng này có thể xảy ra với bất cứ ai, tuy nhiên thường gặp ở người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc người thừa cân béo phì. Bệnh không nguy hiểm, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao. Dù vậy, người bệnh cần thăm khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ vì bệnh không thể tự lành.

Viêm khớp cổ chân là gì?

Viêm khớp cổ chân là tình trạng viêm khớp xảy ra ở vùng mô mềm xung quanh cổ chân. Triệu chứng điển hình khi khớp cổ chân bị viêm là cơn đau khớp do các mô bị phá vỡ theo thời gian. Đồng thời, người bệnh cũng sẽ bị cứng khớp, gây cản trở vận động hằng ngày của người bệnh.

Khớp cổ chân là bộ phận khớp nối giữa cẳng chân và bàn chân. Cấu trúc của khớp cổ chân gồm diện khớp giữa xương chày, xương mác và xương sên bên dưới. Bên cạnh đó, khớp cổ chân còn bao gồm những bộ phận như: đầu xương, mô sụn, màng hoạt dịch, mạch máu, dây thần kinh, gân và dây chằng.

Lớp sụn ở khớp cổ chân không quá dày, một vài vị trí sụn có thể nhỏ hơn 1 mm; diện tích mặt khớp cổ chân khoảng 350 mm. Đây là lý do khiến khớp cổ chân đối mặt với nhiều nguy cơ bị tổn thương do chịu nhiều áp lực.

Viêm khớp cổ chân cũng được xem là một triệu chứng của những bệnh lý khác như: viên khớp dạng thấp, thoái hoá khớp cổ chân, lupus ban đỏ … Tình trạng viêm xuất hiện khi khớp cổ chân bị giảm chức năng và lớp sụn khớp bị bào mòn. Tình trạng mỏng dần của lớp sụn sẽ khiến các xương cọ xát vào nhau và tạo ra phản ứng viêm là các cơn đau, cứng khớp cho người bệnh.

Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh, tuy nhiên thường gặp ở những người lớn tuổi. Phần lớn các trường hợp bệnh đến từ căn nguyên thoái hóa khớp cổ chân. Ngoài ra, những người thừa cân, béo phì hoặc người có bệnh nền khác cũng có tỷ lệ bị viêm khớp cổ chân cao hơn những người khỏe mạnh.

Viêm khớp ở cổ chân cần được can thiệp điều trị bằng thủ thuật y khoa dù là viêm cấp tính, mức độ bệnh nhẹ. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm và hạn chế được tình trạng tái bệnh nếu kết hợp các phương pháp chăm sóc sức khỏe cơ xương khớp và lối sống lành mạnh.

Dấu hiệu viêm khớp cổ chân

Người bệnh có thể dễ dàng nhận biết viêm khớp cổ chân qua cơn đau cục bộ, và phạm vi chuyển động của cổ chân bị hạn chế. Triệu chứng này thể hiện rõ ràng nhất khi người bệnh vừa mới ngủ dậy, hoặc sau khi bất động khớp trong thời gian dài. Thông thường, triệu chứng cứng khớp sẽ giảm dần khi người bệnh xoa bóp, co duỗi khớp khoảng 30 – 60 phút.

Dấu hiệu viêm khớp vùng cổ chân phổ biến nhất mà người bệnh thường gặp là:

  • Sưng đau cổ chân
  • Mất sức, yếu khớp
  • Cứng khớp, giảm phạm vi chuyển động cổ chân
  • Đau khi chạm vào cổ chân
  • Đau nhói khi vận động
  • Quanh cổ chân bị sưng nóng hoặc đỏ
  • Có tiếng kêu khi người bệnh cử động cổ chân như xoay, đi lại…
  • Một số trường hợp có kèm theo sốt, suy nhược cơ thể

Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp cổ chân

1. Căn nguyên viêm khớp cổ chân

Căn nguyên viêm khớp cổ chân rất đa dạng, và phổ biến nhất đến từ tình trạng thoái hóa khớp cổ chân ở người lớn tuổi. Khi một người mắc bệnh, nghĩa là bất cứ bộ phận cấu thành nào cũng có thể đang gặp tổn thương do tác động bên ngoài.

Những căn nguyên thường gặp là:

  • Thoái hóa khớp cổ chân: Là bệnh lý xảy ra ở người lớn tuổi. Quá trình lão hóa tự nhiên khiến sụn khớp ở cổ chân bị bào mòn, khiến 2 đầu xương cọ vào nhau. Từ đó gây ra những cơn đau, phản ứng viêm ở khớp cổ chân.
  • Chấn thương đột ngột gây ra hiện tượng tràn dịch khớp cổ chân.
  • Bệnh lý tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp vảy nến
  • Rối loạn chuyển hóa như bệnh gout
  • Viêm phần mềm quanh khớp như viêm gân, viêm thần kinh giữa, hội chứng ống cổ chân

2. Yếu tố rủi ro gây bệnh viêm khớp cổ chân

Do cấu tạo của khớp cổ chân có phần sụn mỏng, diện tích mặt khớp nhỏ, khớp cổ chân thường chịu áp lực lớn, tỷ lệ bị chấn thương cao hơn những bộ phận khác. Vì vậy, những vận động viên thể thao, người lao động tay chân thường xuyên hoạt động và tạo áp lực lên khớp cổ chân trong thời gian dài sẽ có rủi ro bị viêm khớp cổ chân cao hơn người khác.

Ngoài ra, tình trạng viêm cũng dễ xảy ra với người thừa cân béo phì do khớp cổ chân chịu áp lực lớn đến từ trọng lượng cơ thể. Nếu tình trạng này diễn ra liên tục trong thời gian dài sẽ khiến cho khớp cổ chân suy yếu và tổn thương.

Bác sĩ lưu ý những yếu tố rủi ro khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm:

  • Sức khỏe tâm thần không ổn định, thường xuyên căng thẳng… làm giảm đề kháng của người bệnh. Cơ thể có đề kháng yếu sẽ không thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn xâm nhập. Người bệnh sẽ dễ bị viêm khớp cổ chân do các bệnh tự miễn, viêm phần mềm…
  • Người có lối sống không lành mạnh, ít vận động… làm giảm lượng chất nhờn khớp được sản xuất trong cơ thể, lâu dần sẽ gây ra các bệnh lý liên quan đến khớp.

Phương pháp chẩn đoán vùng cổ chân bị viêm khớp

Chẩn đoán viêm khớp cổ chân chủ yếu là xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Bản chất của bệnh là một triệu chứng, có thể nằm trong nhiều bệnh cảnh khác nhau. Do vậy, việc chẩn đoán cần phải tìm ra được nguyên nhân đằng sau gây bệnh.

Đầu tiên, người bệnh sẽ được chẩn đoán lâm sàng. Ở hạng mục này, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng viêm sưng, phạm vi chuyển động của cổ chân trong đi lại, xoay duỗi. Ngoài ra, người bệnh cũng cần cung cấp cho bác sĩ chi tiết về bệnh sử của mình, tình trạng sức khỏe để bác sĩ có thể hiểu rõ sức khỏe tổng quan của người bệnh.

Dựa vào kết quả chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ sẽ tiếp tục chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, là những phương pháp chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra mức độ tổn thương của khớp và sụn cổ chân.

Những phương pháp chẩn đoán viêm khớp cổ chân gồm:

  • Chụp X-quang: Quan sát được tình trạng sụn khớp, bao gồm sự hiện diện của gai xương nếu có
  • Chụp MRI: hiển thị kết quả của cả khớp, sụn và các mô mềm xung quanh khớp như dây chằng, gân,…
  • Xét nghiệm máu: chỉ định cho những trường hợp nghi ngờ là viêm khớp cổ chân do các bệnh tự miễn, hoặc rối loạn chuyển hóa như gout,…

Viêm khớp cổ chân có nguy hiểm không?

Viêm khớp cổ chân không phải là một bệnh lý nguy hiểm, có thể điều trị dứt điểm nếu điều trị sớm, kết hợp với các phương pháp phòng ngừa tái phát bệnh.

Tuy nhiên, bệnh tiềm ẩn nhiều rủi ro biến chứng; không thể tự khỏi, buộc người bệnh phải can thiệp bằng các phương pháp điều trị y khoa. Nếu bệnh kéo dài, hoặc tái phát quá nhiều sẽ dẫn đến viêm khớp mạn tính, gây bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày và nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm khác.

Cách chữa viêm khớp cổ chân

Điều trị viêm khớp cổ chân cần dựa trên tình trạng viêm và căn nguyên của từng người bệnh. Những phương pháp thường được áp dụng gồm:

  • Điều trị nội khoa: Sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm để làm thuyên giảm các triệu chứng lâm sàng, cơn đau và cứng khớp của người bệnh.
  • Điều trị nguyên nhân gây bệnh: Dùng thuốc để tác động vào cơ chế bệnh sinh của viêm khớp, hạn chế tái bệnh.
  • Phương pháp tiêm tại chỗ: Được chỉ định cho những trường hợp viêm khớp cấp tính  bằng cách tiêm thuốc chống viêm vào vị trí viêm. Từ đó cải thiện được tình trạng viêm tốt nhất
  • Phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu : Đây là phương pháp điều trị thường được chỉ định cho những ca bệnh viêm khớp cổ chân mạn.
  • Phương pháp tiêm collagen vào khớp : Giúp loại bỏ tình trạng viêm, ngăn ngừa hiệu quả sự phá hủy mô sụn và bổ sung dịch nhờn cho khớp

Bên cạnh những phương pháp trên, người bệnh cũng cần được kết hợp các phương pháp điều trị là vật lý trị liệu và chế độ dinh dưỡng phù hợp để thúc đẩy quá trình phục hồi, cải thiện chức năng khớp.

Cách phòng tránh viêm khớp ở cổ chân

Viêm khớp cổ chân có thể được phòng ngừa bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh, và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Việc này giúp tăng cường đề kháng, bảo vệ sức khỏe toàn diện. Dù là người đã từng mắc bệnh hay người chưa từng bị viêm khớp cổ chân cũng nên tuân theo để hạn chế tối đa khả năng mắc bệnh.

Những biện pháp phòng tránh bao gồm:

  • Khởi động kỹ và hạn chế sai tư thế trong các môn thể thao sử dụng nhiều đến cổ chân như: bóng rổ, bóng đá, chạy…
  • Hạn chế mang vác nặng hoặc ưu tiên sử dụng các dụng cụ hỗ trợ nếu có
  • Chuyên gia y tế khuyến khích người bệnh đi bơi vì đây là một môn thể thao tốt cho sức khỏe toàn diện. Bơi giúp tăng cường hệ tuần hoàn máu, làm chậm quá trình thoái hóa khớp, cải thiện chức năng cơ xương khớp hiệu quả.
  • Tăng cường vận động trong ngày, luyện tập thể thao mỗi ngày để tăng sức đề kháng cho cơ thể
  • Kiểm soát cân nặng, không để rơi vào tình trạng thừa cân béo phì
  • Kết hợp chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng các chất đa lượng (đạm, chất béo tốt, tinh bột) và vi lượng (vitamin, chất khoáng…)
  • Bổ sung canxi từ đa dạng nguồn thực phẩm như: sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại hạt và đậu, quả sung,…
Gọi điện thoại
0335.366.224
Chat Zalo